icon home Trang chủ
/
Tin tức Hướng dẫn xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ A – Z

Hướng dẫn xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ A – Z

09/07/2021
2082

Một người có thể tìm mọi cách để đầu quân cho công ty vì danh tiếng nhưng cũng sẵn sàng rời đi vì văn hóa doanh nghiệp.

 

Được kỳ vọng trở thành một startup nghìn tỉ đô la, “kỳ lân” công nghệ Coworking Space WEWORK bất ngờ ngã ngựa ngay trước thềm IPO với không ít những mặt tối dần được hé lộ. Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến đế chế này dần lụn bại chính là thứ văn hóa tiệc tùng, chè chén độc hại mà cựu CEO Adam Neumann đã xây dựng và áp đặt.

Nhìn xa hơn tới trường hợp của Uber hay Yahoo, rõ ràng sự thành bại của doanh nghiệp đang phụ thuộc vào thứ yếu tố vô hình mang tên Văn hóa doanh nghiệp. Nói không ngoa, nếu mỗi tổ chức là một con người, thì văn hóa chính là linh hồn – chi phối hoàn toàn sức sống và sự phát triển.

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

 

Định nghĩa:

 

Có rất nhiều khái niệm về văn hóa doanh nghiệp, nhưng tựu chung, văn hóa doanh nghiệp có thể được định nghĩa là “Tập hợp những giá trị và chuẩn mực về niềm tin, hành vi, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi người trong công ty cùng công nhận, suy nghĩ và hành động như một thói quen.”

Văn hóa doanh nghiệp giống như tính cách và đời sống tinh thần của con người, ảnh hưởng đến lối sống, hành vi của người đó. Xây dựng văn hóa công ty quyết định sự thành bại và tồn tại lâu dài của mỗi doanh nghiệp.

Các cấp độ văn hóa doanh nghiệp

 

Cấp độ văn hóa được dùng để chỉ mức độ cảm nhận của các giá trị văn hoá trong doanh nghiệp, còn gọi là tính hữu hình của các giá trị văn hoá. Cách tiếp cận này rất độc đáo, đi từ hiện tượng đến bản chất của một nền văn hoá, giúp cho chủ doanh nghiệp hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc những bộ phận cấu thành của một nền văn hoá.

Theo Edgar Henry Schein – cựu Giáo sư Trường Quản lý MIT Sloan – một người nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực phát triển tổ chức và văn hóa doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp có thể chia thành ba cấp:

#1. Cấp độ thứ nhất: Cơ cấu hữu hình của doanh nghiệp

 

Cấp độ thứ nhất trong cấu trúc văn hóa doanh nghiệp là những giá trị văn hóa hữu hình, bao gồm các sự vật và sự việc mà một người có thể nghe, nhìn và cảm nhận khi tiếp xúc với một tổ chức lạ. 

Một số biểu hiện của cấp độ thứ nhất trong văn hóa doanh nghiệp như:

  • Cơ cấu tổ chức phòng ban của doanh nghiệp.
  • Các văn bản quy định quy tắc hoạt động doanh nghiệp.
  • Kiến trúc công ty, phong cách bài trí và các biểu tượng, logo và khẩu hiệu,…
  • Công nghệ sản phẩm, hình thức và mẫu mã sản phẩm.
  • Cách ăn mặc và ứng xử, thái độ hành vi và cách biểu lộ cảm xúc…

 

Đặc điểm chung của cấp độ này: chịu ảnh hưởng chính từ tính chất công việc kinh doanh của công ty, quan điểm của người lãnh đạo… Trong 3 cấp độ của văn hoá doanh nghiệp thì cấp độ văn hoá này dễ thay đổi và ít khi thể hiện được những giá trị thực sự trong văn hóa doanh nghiệp.

#2. Cấp độ thứ hai: Các giá trị được tuyên bố/ chấp nhận 

 

Những giá trị được tuyên bố/ chấp nhận là: bao gồm các giá trị cốt lõi, bộ quy tắc, quy định, chiến lược và mục tiêu riêng chính là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn bộ nhân viên. Các nội dung này sẽ được công bố rộng rãi. Đây cũng chính là những giá trị được tuyên bố, chấp nhận của văn hóa doanh nghiệp.

Cấp độ 2 biểu hiện ra ngoài: Trong 3 cấp độ của văn hoá doanh nghiệp thì cấp độ này chúng ta có thể nhận biết ngay từ văn bản, cách diễn đạt và cách thể hiện của nhân viên. Chúng có nhiệm vụ hướng dẫn cho các nhân viên trong doanh nghiệp cách thức xử lý trong các tình huống cụ thể, đối phó với một số tình thế cơ bản và rèn luyện cách ứng xử cho các thành viên mới trong môi trường doanh nghiệp.

#3. Cấp độ thứ ba: Các quan niệm chung 

 

Những quan niệm chung : Văn hoá dân tộc, văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp… luôn luôn gắn bó với nhau, chúng đều có các quan niệm chung, phong cách chung, bởi chúng đã hình và tồn tại trong quá trình lịch sử. Chúng ăn sâu vào suy nghĩ của hầu hết các thành viên trong nền văn hoá đó và trở thành thói quen chi phối hành động, góc nhìn.

Khi các thành viên cùng nhau chia sẻ và hành động theo văn hóa chung, họ sẽ rất khó chấp nhận những hành vi đi ngược lại. Trong 3 cấp độ của văn hoá doanh nghiệp thì cấp độ này khó nhận ra bởi chúng nằm sâu từ bên trong và cần thời gian tiếp xúc để có thể nắm được. 

3 cấp độ của văn hóa doanh nghiệp tạo thành các lớp văn hóa khác nhau. Lớp ngoài khá dễ thích nghi và dễ thay đổi. Lớp văn hóa càng sâu thì càng khó điều chỉnh. Ba cấp độ trên hòa quyện và ảnh hưởng lẫn nhau tạo ra cấu trúc doanh nghiệp đặc trưng của mỗi công ty. 

Việc nắm chắc được 3 cấp độ giúp cho nhà lãnh đạo bóc tách được các thành phần quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra chiến lược phát triển tập trung trong các giai đoạn khác nhau của doanh nghiệp, đặc biệt là văn hóa lấy con người làm trung tâm.

Tại sao văn hóa lại luôn là một phần quan trọng của doanh nghiệp?

 

Theo nghiên cứu của Deloitte, 94% giám đốc điều hành và 88% nhân viên tin rằng văn hóa mang tính quyết định đối với thành công của doanh nghiệp.

Tuyển dụng

 

Nhiều chuyên gia nhân sự đồng ý rằng văn hóa công ty mạnh mẽ là một trong những cách tốt nhất để thu hút nhân viên tiềm năng. Một nền văn hóa tích cực mang lại cho tổ chức một lợi thế cạnh tranh rất lớn. Tất cả mọi người đều muốn làm việc cho các công ty có danh tiếng tốt, mà điều này do chính các nhân viên cũ và hiện tại thể hiện thì lại càng đáng tin. Một công ty có văn hóa tích cực sẽ thu hút các tài năng sẵn sàng biến nơi làm việc tiếp theo của họ thành nhà, thay vì chỉ là bước đệm.

Nhân viên trung thành

 

Một nền văn hóa không chỉ tích cực sẽ giúp nỗ lực tuyển dụng, nó cũng sẽ giúp giữ chân những tài năng hàng đầu của doanh nghiệp. Những người chủ biết đầu tư vào sự hài lòng của nhân viên sẽ được nhận lại phần thưởng là những nhân viên tận tụy và tự giác cống hiến.

Văn hóa doanh nghiệp phù hợp giúp nhân viên có cảm giác mình làm công việc có ý nghĩa, hãnh diện vì là một thành viên của doanh nghiệp, thúc đẩy ý thức về lòng trung thành của nhân viên. Nhân viên có nhiều khả năng ở lại với người quản lý khi họ cảm thấy được đối xử đúng đắn và có xu hướng muốn đi làm mỗi ngày.

 Tinh thần nhân viên

 

Văn hóa doanh nghiệp giúp nhân viên thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc mình làm, tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhân viên và một môi trường làm việc thoải mái, lành mạnh. Điều này càng có ý nghĩa khi tình trạng “chảy máu chất xám” đang phổ biến. Lương và thu nhập chỉ là một phần của động lực làm việc. Khi thu nhập đạt đến một mức nào đó, người ta sẵn sàng đánh đổi chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc ở một môi trường hòa đồng, thoải mái, được đồng nghiệp tôn trọng hơn.

Giảm xung đột doanh nghiệp

 

Văn hóa tích cực sẽ giúp giảm đáng kể căng thẳng tại nơi làm việc, là chất keo gắn kết các thành viên của doanh nghiệp. Nó giúp các thành viên thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Khi nhân viên phải đối mặt với xu hướng xung đột lẫn nhau thì văn hoá chính là yếu tố giúp mọi người hoà nhập và thống nhất.

Hiệu suất làm việc

 

Văn hóa công ty mạnh mẽ đã được liên kết với tỷ lệ năng suất cao hơn. Điều này là do nhân viên có xu hướng có động lực và tận tâm hơn đối với các nhà tuyển dụng đầu tư vào sự hài lòng của họ. Các công ty có văn hóa doanh nghiệp mạnh có xu hướng nhìn thấy nhân viên ít căng thẳng và áp lực hơn, điều này giúp củng cố cả sức khỏe và hiệu suất làm việc của nhân viên. 

Các bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp

 

Bước 1: Đánh giá văn hóa hiện tại của doanh nghiệp

 

Sự thay đổi hay xây dựng văn hoá doanh nghiệp thường bắt đầu bằng việc đánh giá xem văn hoá hiện tại như thế nào và kết hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Đánh giá văn hoá là một việc cực kỳ khó khăn vì văn hoá thường khó thấy và dễ nhầm lẫn về tiêu chí đánh giá. 

Chúng ta có nhiều cách để đánh giá như trực tiếp lấy khảo sát từ nhân viên hay đơn giản là quan sát thực trạng hiện tại của doanh nghiệp. Nếu công ty của bạn đang xuất hiện những dấu hiệu sau, ngay lập tức hãy có biện pháp cải thiện vì đây là những dấu hiệu của một nền văn hóa độc hại:

  • Tuyển dụng liên tục: Đây vừa là dấu hiệu của công tác quản lý nhân sự kém, vừa là dấu hiệu của việc nhân viên hài lòng và không gắn bó với doanh nghiệp mà nghỉ việc.
  • Các thói quen xấu của cả quản lý và nhân viên: Kỷ luật kém, hay đi làm trễ, xin nghỉ làm nhiều, hoàn thành các deadline muộn, đến văn phòng đúng giờ nhưng bắt đầu làm việc muộn, ngồi lê đôi mách,… 
  • Giao tiếp nội bộ kém: Bạn bước chân vào văn phòng và nhận ra nơi làm việc của mình mọi người yên lặng, không cười đùa, không giao tiếp, hoàn toàn không có sự tương tác. Đây không hẳn là một dấu hiệu tuyệt vời của sự kỷ luật tuyệt đối. Các xung đột thường nảy sinh khi việc giao tiếp trở nên khó khăn, gượng ép và không thoải mái. Một nền văn hóa lành mạnh cần sự giao tiếp và củng cố lẫn nhau.
  • Quản lý và nhân viên là 2 nhóm tách biệt: Hai nhóm này hiếm khi tương tác với nhau. Khi tương tác thì đó cũng chỉ là giao tiếp một chiều, trong đó người quản lý nói với người dưới quyền phải làm gì. Không tồn tại cuộc trò chuyện cởi mở hay sự hợp tác cho và nhận giữa quản lý và những người khác.
  • Bạn biết nhân viên không hài lòng nhưng họ lại không nói về nó một cách cởi mở: Việc nhân viên không dám nói ra suy nghĩ, chia sẻ cảm xúc hay lên tiếng bảo vệ ý kiến của mình là dấu hiệu của việc nhà lãnh đạo quá cổ hủ, một môi trường làm việc rập khuôn và không sáng tạo là điều hiển nhiên được hình thành.
  • Có nhiều cuộc trò chuyện (và kể cả các biện pháp kỷ luật) khi có những sai lầm, vi phạm – nhưng lại rất ít công nhận và sự khen thưởng về nỗ lực của nhân viên.
  • Mọi người không lên tiếng thảo luận về các ý tưởng trong cuộc họp: Ngay cả khi đó là những ý tưởng dở tệ hoặc một kế hoạch không tưởng, họ cũng sẽ chẳng nói gì – nhưng ngay lập tức phấn khởi bàn tán sau lưng khi kết thúc cuộc họp.
  • Nhân viên được khen thưởng vì đã đạt được mục tiêu và tuân thủ theo các quy tắc có sẵn – chứ không phải những đột phá sáng tạo hay nỗ lực vượt bậc.
  • Nỗi sợ hãi có thể cảm nhận rõ ràng: Cửa phòng đóng sầm; Mọi người im lặng khi sếp đi qua; Tránh không muốn đi chung thang máy với sếp; Các cuộc trò chuyện thì thầm diễn ra trong cầu thang;  “Sếp nói gì về tôi? Ông ấy không thích tôi, làm sao giờ?..” – Mọi người quan tâm đến vị trí của mình, các băn khoăn và lo lắng ai sẽ lên cao, ai sẽ xuống cấp bậc thấp hơn. 

 

Bước 2: Xác định những gì bạn mong muốn về văn hóa doanh nghiệp của mình

 

Khi bắt đầu xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp, hãy nghĩ thật kỹ về những điều bạn muốn tạo nên. Hãy cân nhắc những điều tương tự cả khi lựa chọn những người đứng đầu trong công ty mà sẽ đi cùng bạn một chặng đường dài.

 Một doanh nghiệp không thể tồn tại mà không sở hữu nền văn hoá đặc trưng riêng. Harvard Business Review đã liệt kê 8 loại hình văn hóa trên thế giới, được phân biệt dựa theo 2 tiêu chí chính: sự tương tác giữa mọi người và khả năng phản ứng trước thay đổi. Mỗi loại hình đi kèm theo con số là phần trăm các doanh nghiệp xếp loại hình văn hoá đó thuộc Top 2 trong khuynh hướng mà họ quan tâm tới.

– Quan tâm (caring-culture): 63%

– Mục tiêu (purpose-culture): 9%

– Học tập (learning-culture): 7%

– Tận hưởng (enjoyment-culture): 2%

– Kết quả (results-culture): 89%

– Chuyên chế (authority-culture): 4%

– Trật tự (order-culture): 15%

Kiến tạo văn hóa từ chính những thế mạnh và đặc điểm riêng của công ty bạn. Khi công ty phát triển dựa trên những sức mạnh có sẵn, trực giác sẽ chỉ cho mọi người biết mình cần phải làm gì, và làm như thế nào để mọi thứ tốt nhất.

Bước 3: Xác định các yếu tố làm nên văn hóa doanh nghiệp

 

Ngày nay có rất nhiều công ty sử dụng những từ ngữ hoa mỹ và hào nhoáng để nói về văn hóa của mình. Enron – một tập đoàn năng lượng hùng mạnh của Mỹ từng dùng 4 từ sau để nói về giá trị cốt lõi của mình: Liêm chính (Integrity), Kết nối (Communication), Tôn trọng (Respect), Xuất sắc (Excellence). Kết quả là tập đoàn này đã sụp đổ vào năm 2002 do che giấu, khai man sổ sách và lừa đảo, tạo nên một trong những vụ án kinh tế chấn động nhất lịch sử nước Mỹ

Vì vậy giá trị cốt lõi chỉ nên là những thứ thực sự được coi trọng ở công ty bạn. Với vai trò là một lãnh đạo công ty, hãy xác định giá trị cốt lõi mà công ty đang hướng đến. Sau đó bàn bạc và thảo luận chuyên sâu cùng các lãnh đạo khác để xây dựng nền móng đầu tiên cho văn hóa doanh nghiệp. Một số câu hỏi xác định giá trị cốt lõi doanh nghiệp:

  • Sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của công ty là gì?
  • Bạn muốn công ty mình được biết đến như thế nào? 
  • Mục tiêu kinh doanh của công ty có phù hợp với giá trị cá nhân của tập thể nhân viên?
  • Mục tiêu văn hóa công ty hướng đến là gì? (Ví dụ, tinh thần làm việc nhóm được nâng cao, thành công của nhân viên được công nhận,…) 

Bước 4: Lên kế hoạch thu hẹp khoảng cách giữa những gì chúng ta hiện có và những gì chúng ta muốn có

 

Khi chúng ta đã xác định được một văn hoá lý tưởng cho doanh nghiệp mình và cũng đã có sự thấu hiểu về văn hoá đang tồn tại trong doanh nghiệp mình. Lúc này sự tập trung tiếp theo vào việc làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa những giá trị chúng ta hiện có và những giá trị chúng ta mong muốn. 

Các khoảng cách này nên đánh giá theo 4 tiêu chí: phong cách làm việc, ra quyết định, giao tiếp, đối xử.

Lãnh đạo đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho việc xây dựng văn hoá. Lãnh đạo là người đề xướng và hướng dẫn các nỗ lực thay đổi. Lãnh đạo chịu trách nhiệm xây dựng tầm nhìn, truyền bá cho nhân viên hiểu đúng, tin tưởng và cùng nỗ lực để xây dựng. Lãnh đạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xua tan những mối lo sợ và thiếu an toàn của nhân viên.

Bước 5: Triển khai văn hóa doanh nghiệp

 

#1. Thành lập một đơn vị phụ trách văn hóa doanh nghiệp và lên kế hoạch triển khai

 

Khi chúng ta đã xác định được một văn hoá lý tưởng cho doanh nghiệp mình, việc tiếp theo là soạn thảo một kế hoạch hành động bao gồm các mục tiêu, hoạt động, thời gian, điểm mốc và trách nhiệm cụ thể. Cái gì là ưu tiên? Đâu là chỗ chúng ta cần tập trung nỗ lực? Cần những nguồn lực gì? Ai chịu trách nhiệm về những công việc cụ thể? Thời hạn hoàn thành? 

Ở một số công ty thì vị trí này được giao cho phòng Truyền thông nội bộ. 

#2. Công bố và truyền đạt văn hóa đến toàn doanh nghiệp

 

  • Phổ biến chung: Ban hành quy định, quy chế chung và tổ chức các buổi trò chuyện giữa lãnh đạo và tập thể nhân viên về giá trị văn hóa công ty. Mục tiêu là giúp đội ngũ nhân viên hiểu rõ và ý thức được lợi ích của văn hóa nội bộ đến sự phát triển của bản thân và công ty.
  • Khuyến khích động viên nhân viên trước những lợi ích của sự thay đổi: Nhận biết các trở ngại và nguyên nhân từ chối thay đổi và xây dựng các chiến lược để đối phó. Lôi kéo mọi người ra khỏi vùng thoải mái của mình là một công việc rất khó. Vì vậy người lãnh đạo phải khuyến khích, động viên và chỉ cho nhân viên thấy lợi ích của họ tăng lên trong quá trình thay đổi

 

#3. Ổn định và phát triển văn hóa

 

Việc phát triển văn hóa cũng cần được duy trì lâu dài, nếu không muốn nói đây là quá trình cần sự bồi đắp bền bỉ:

  • Tích hợp các giá trị của bạn vào các hoạt động hàng ngày:

 

– Nhấn mạnh tầm quan trọng văn hóa doanh nghiệp và các giá trị khi có nhân viên mới

– Đặt văn hóa và giá trị cốt lõi vào chất lượng sản phẩm doanh nghiệp

– Nhấn mạnh tầm quan trọng trong các cuộc họp của công ty và trong các cuộc giao tiếp với công ty

– Đảm bảo thông tin bên ngoài của bạn (tiếp thị, phương tiện truyền thông xã hội, v.v.) phản ánh cùng các giá trị để thương hiệu của bạn nhất quán

– Đưa ra quyết định dựa trên giá trị khi lựa chọn sáng kiến ​​của công ty

– Sử dụng các giá trị của bạn để hướng dẫn quản lý hiệu suất và giúp nhân viên làm việc kém hiệu quả

  • Triển khai hoạt động văn hóa công ty cụ thể: Kiến trúc và nội thất văn phòng, đồng phục, nghi thức, team building, hệ thống khen thưởng, du lịch công ty,… 
  • Thiết lập hệ thống khen thưởng phù hợp với văn hoá doanh nghiệp: Thể chế, mô hình hóa và củng cố sự thay đổi văn hóa. Các hành vi, quyết định của lãnh đạo phải thể hiện là mẫu hình cho nhân viên noi theo và phù hợp với mô hình văn hoá đã xây dựng. Trong giai đoạn các hành vi theo mẫu hình lý tưởng cần được khuyến khích, động viên. Hệ thống khen thưởng phải được thiết kế phù hợp với mô hình xây dựng văn hoá doanh nghiệp.
  • Tuyển dụng đúng người: Bạn không cần tuyển người giỏi nhất – Bạn phải tuyển người phù hợp nhất. Ứng viên dẫu có năng lực tốt đến mấy nhưng không thể hòa hợp và bắt nhịp với văn hóa thì cũng không thể phát huy được hết mà còn ảnh hưởng chung đến công ty.

 

Bước 6: Đo lường

 

Các giá trị cốt lõi và văn hoá của công ty cần được phát triển và điều chỉnh liên tục để phù hợp với sự thay đổi trong chính sách, nhân viên công ty hoặc từ các yếu tố bên ngoài. 

Tương tự như doanh số bán hàng hay ROI, văn hóa doanh nghiệp nên được đánh giá cẩn thận bởi những nhà quản lý. Việc thường xuyên đo lường yếu tố này sẽ giúp bạn kịp thời giải quyết những vấn đề tồn đọng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh hơn cho công ty.

 #1. Khảo sát

 

Phương pháp phổ biến nhất là thực hiện khảo sát hàng năm, tạo cơ hội để nhân viên phản hồi về các giá trị của công ty, đánh giá sự phù hợp của chúng với hoạt động hàng ngày và với giá trị của nhân viên. 

Các khảo sát qua email đơn giản cũng có thể tiết lộ những gì nhân viên thích và không thích, từ đó bạn có thể định hình văn hóa của mình theo sự hài lòng của nhân viên.

#2. Đo lường bằng các chỉ số

 

Trong thời đại data-driven như hiện nay, mọi thước đo, thậm chí là về hiệu quả văn hóa doanh nghiệp, đều có thể được diễn đạt dưới dạng thông tin và con số. Dưới đây, là 3 chỉ số KPI quan trọng nhất để định hướng, cải thiện và phát triển văn hóa công ty thành công và hiệu quả.

  • Chỉ số Employee Turnover Rate (ETR) – Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc:

 

Có thể thấy, một trong những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu văn hóa của doanh nghiệp bạn đang gặp vấn đề là khi tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tăng lên. Mọi nhà quản lý đều phải nắm được cách tính chỉ số ETR để kiểm soát chúng trong ngưỡng cho phép, đồng thời tìm ra biện pháp cải thiện văn hóa kịp thời.

  • Employee Net Promoter Scores (eNPS) – Chỉ số đo lường sự gắn kết của nhân viên

 

Chỉ số eNPS là không những giúp những nhà quản lý đo lường mức độ gắn kết của nhân viên, mà còn đồng thời đem đến cho họ cái nhìn cận cảnh hơn về sự phát triển của văn hóa đang diễn ra trong doanh nghiệp.

  • Employee Satisfaction Index (ESI) – Chỉ số hài lòng của nhân viên

 

Sự hài lòng của nhân viên luôn có mối quan hệ mật thiết với văn hóa doanh nghiệp, lòng trung thành của  cũng như tính gắn kết của họ dành cho đồng nghiệp, cho cấp trên và cho công ty. Bởi vậy chỉ số ESI là chỉ số không thể thiếu khi bạn bắt đầu tiến hành đo lường hiệu quả văn hóa doanh nghiệp. 

Kết luận: Văn hóa là linh hồn của doanh nghiệp

 

Khi một lãnh đạo bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp, có lẽ điều cuối cùng họ suy nghĩ chính là tạo dựng văn hóa bên trong doanh nghiệp mình. Nhưng văn hóa này có lớn mạnh hay không phụ thuộc vào bộ máy điều hành và cách chèo lái của lãnh đạo.

 

Cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp là tinh thần doanh nghiệp và quan điểm giá trị của doanh nghiệp. Do đó có thể nói văn hóa như là linh hồn của doanh nghiệp. Nói nôm na: Nếu doanh nghiệp là máy tính thì văn hóa doanh nghiệp là hệ điều hành. Vì văn hóa doanh nghiệp phản ánh giá trị, tầm nhìn mà chủ sở hữu muốn tạo ra. 

(Nguồn: resources.base.vn)

TRIPI ONE cung cấp giải pháp quản lý công tác phí hiệu quả số 1 Việt Nam. Để tìm hiểu thêm về ứng dụng Tripi One, bạn có thể truy cập TẠI ĐÂY hoặc đăng ký sử dụng miễn phí ngay hôm nay!

 

ĐĂNG KÝ SỬ DỤNG MIỄN PHÍ